.breadcrumbs { padding: 5px 10px; margin-bottom: 10px; border: 1px solid #E2E2F2; font-weight: bold; }

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Vịnh Xuân Quyền - Võ sư Trần Đức Lợi


Xin giới thiệu các bạn bài viết rất sâu sắc về Vịnh Xuân quyền của Võ sư Trần Đức Lợi - trưởng chi Vịnh Xuân Đạo quán. Võ sư Trần Đức Lợi sẽ qua võ đường Bách Khoa trong thời gian sắp tới để nói về chữ "Đạo" trong Võ thuật.






VỊNH XUÂN QUYỀN


Xin giới thiệu bài viết về môn Vịnh Xuân Quyền của Võ sư Trần Đắc Lợi, học trò của cố võ sư Trần Văn Phùng.

NGUỒN GỐC MÔN PHÁI VỊNH XUÂN

Người sáng lập ra môn phái là bà Nghiêm Vĩnh Xuân, một đệ tử tục gia của Thiếu Lâm Tự. Với tư chất thông minh, bà đã lãnh hội được tinh hoa của môn Thiếu Lâm, và cũng nhờ cơ duyên, bà được gặp Ngũ Mai Lão Ni, từ đó với tố chất trời cho, bà đã nghiên cứu và chế tác ra môn phái mới, đó là Vịnh Xuân quyền (hay còn gọi là Vịnh Xuân).
CON ĐƯỜNG VỊNH XUÂN VÀO VIỆT NAM

Vào những năm 40, cụ Nguyễn Tế Công (tên thật là Lương Nhữ Tế), vì phải chạy khỏi Trung Quốc, cụ đến Việt Nam và truyền thụ môn phái Vịnh Xuân Quyền cho sư phụ tôi là cụ Trần Văn Phùng, cùng một số vị khác.
Là một trong số những đệ tử của cụ Trần Văn Phùng, được sự chỉ bảo của cụ, tôi cố nắm bắt và học hỏi thêm ở các sư phụ khác cùng anh em huynh đệ để củng cố cho kiến thức võ học của mình. Trong quá trình luyện tập, tôi chỉ mới hiểu rằng:
Âm dương và hư thực, mỗi quyền thức đều thể hiện sự tản ra và hợp lại, dùng tiểu khuyên làm chủ công (cổ tay, bàn tay), đó là sự nương đủ và thả quyền ra. Cộng với sự hư mà thực (trống không mà đầy đủ), rõ ràng lực tay nhẹ nhàng mà đầy uy lực – đó chính là sức mạnh của nhu và cương. Khi tập niêm thủ tôi cảm nhận thấy rõ khi nhanh khi chậm, khi bên phải, khi bên trái, ở trên, ở dưới, ở đại khuyên, trung khuyên và nhất là ở tiểu khuyên đều có sự đối lập mà thống nhất. Tất cả những điều này cấu tạo nên nguyên tắc cơ bản độc nhất của Vịnh Xuân Quyền, cần phải lấy tâm dụng ý, nhất cử nhất động đều lấy ý làm chính, không được dùng lực, ý động trước rồi hình theo sau, như vậy mới có thể đạt được ý đến thì khí đến mà khí đến thì kình lực sẽ đến sau, tập luyện lâu sẽ thấu hiểu điều đó.
Với tất cả lòng say mê môn phái, tôi đã luyện tập được gần 20 năm nay và càng ngày càng thấy môn Vịnh Xuân quả là cao thâm, càng luyện tập tôi càng thấy mình chưa hiểu được là bao, chỉ với những bài tập không hoa mỹ, đơn giản, mà công năng ảo diệu vô cùng.
Với thời gian luyện tập, tôi xin viết một chút kiến thức mà bản thân đã cảm nhận được (chắc chỉ vào khoảng 20% lượng kiến thức võ học mà sư phụ tôi đã truyền dạy cho). Rất mong anh em cùng tập môn phái Vịnh Xuân đọc và góp ý. Tất cả thiển ý trên chỉ mong sao cho môn phái Vịnh Xuân mãi mãi tồn tại và phát huy theo con đường mà tông sư đã chỉ dạy.

BẢY ĐIỂM CƠ BẢN CỦA VỊNH XUÂN QUYỀN

1.    Luyện thở:
  • Luyện kình: Hàng ngày luyện quyền
  • Xoay thân
  • Đơn niêm thủ
2.    Luyện tập du đẩy hai người:
Luyện thuật đảo đan tay, ra vào tay hợp lý, ném tay, tập quyền, di thân đảo bộ, quay tay để tháo lỏng vai, khuỷu tay và cổ tay.
3.    Luyện tập hai người:
Đánh đỡ tự nhiên, sơ cấp niêm thủ để hiểu rõ cách dính tay và ra đòn. Đồng thời vừa niêm vừa di chuyển thân, chân.
4.    Luyện tập ba bộ quyền pháp cơ bản:
  • Tiểu niệm đầu
  •  Tầm kiều
  •  Tiêu chỉ
Đặc biệt trong bài Tiểu niệm đầu, người tập phải nắm vững chính xác vị trí của khuỷu tay, nội dung chủ yếu là phòng ngự trung tuyến và các động tác công, phòng đơn và kình.
5.    Linh giác
Khi đã biết niêm tay, phải chú ý luyện linh giác (chú trọng tháo được 3 khớp, cánh tay phải thật lỏng, sau luyện đả thủ). Thông qua niêm tay phải chú trọng luyện Liên hoàn bát thủ pháp trong Vòng tròn xa luân.
6.    Luyện tập tán thủ và 108 mộc nhân thủ
Luyện tập 108 động tác đánh cây gỗ (mộc nhân) hoặc bàng thủ, với hai pháp: Định bộ thân thủ (không dùng lực, lấy hình và ý, dùng lực để luyện kình) và ra vào hợp lý kết hợp thân, chân, tay hợp nhất.  
7. Luyện tập vũ khí:
  • Bát trảm đao
  • Lục điểm bán côn
Bảy phần cơ bản trên, người tập phải chú ý:
  • Khi định bộ thân thủ (Kiềm dương tấn), hai người đều phải đứng gần, tỳ đẩy cho nhau, thông qua đẩy kéo sẽ nhận thức được lực đẩy, lực kéo, lực mượn từ trong đó, đồng thời sẽ đạt được sự vận dụng linh hoạt: cánh tay khúc mà không khúc, thẳng mà không thẳng, có lực mà không có lực ..vv.. đồng thời thân pháp lên bình xuống thuận, phải nắm vững trọng tâm, không mất cân đối.
  • Khi bước đi phải tiến thấp thoái cao, nhẹ nhàng, linh hoạt, trường đùi, đá bằng bàn chân nhẹ như lông hồng lại nặng như núi Thái sơn. Kết hợp với du đẩy hai người sẽ nắm vữnglai lưu khứ tống của bộ pháp và thủ pháp.
  • Khi song thân niêm thủ, điều cao là cổ tay triển kình, đó chính là luyện tập cao cấp của cảm giác tay.

MỘT SỐ NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA VỊNH XUÂN QUYỀN

Vịnh Xuân Quyền có phong cách độc đáo, các chiêu đa dạng, tổ chức đơn giản, vô chiêu vô thức, vận dụng sức mạnh linh hoạt, có tính đàn hồi cao, rất mạnh tính chiến đấu.
Với nguyên lý trường, trung, đoản:
  • Trường kiều: vận khí, luyện gân
  •  Trung kiều: xung quyền
  •  Đoản kiều: tự bảo vệ
Vận dụng đoản kiều để tránh mã, sở trường để phát huy kình lực, ngoài ra lấy cánh tay, cùi trỏ, cổ tay, bàn tay, ngón tay làm các loại thủ hình, cộng với thân pháp lật bản lề độc đáobộ pháp Kiềm dương tấn, khi chuyển bộ có dùng ý chân của hạc thần, đồng thời cảm giác bằng độ nhanh nhẹn của da thịt. Phát huy quyền thuật nội gia để tăng sức mạnh.

 ĐẶC ĐIỂM LUYỆN THÂN PHÁP CỦA VỊNH XUÂN

Buông lỏng thân, chùng chân khép gối, hai bàn chân bằng vai, bụng lỏng, cổ chân buông lỏng, bàn chân bám chặt đất. Từ cổ chân đến thân phải đàn hồi (đó là sự nhịp nhàng của thượng, trung, hạ).
Lấy ý đẩy khí, ý đến khí đến, lấy khí thôi lực, tay mắt cùng theo, tâm tới chân tới, thân tới bộ tới, bộ tới quyền tới, quyền tới thì ý sẽ tới.
Khi luyện tập lấy tĩnh chế động, khi tĩnh thì im như núi đứng, khi động thì nhanh như gió xoay, đó là đặc điểm chủ yếu của nội gia công phu Vịnh Xuân Quyền.
PHÁP CÔNG THỦ CHỦ YẾU CỦA VỊNH XUÂN   

Vịnh Xuân lấy trung tuyến làm lý chính, đó chính là nhãn hiệu cùi trỏ treo, khi xuất thủ phải chiếm đường vuông góc của ngực. Đó là pháp công thủ chủ yếu của Vịnh Xuân. Người luyện tập nhất định phải thủ trung tâm, chính ở trung tâm này mà làm cho các động tác của đối phương chỉ có thể ở ngoại vi. Khi sử dụng tay yêu cầu khoảng cách phải theo các tiêu chuẩn sau:
  • Thượng bất quá mắt
  • Hạ bất quá bụng dưới
  •  Trái phải không quá vai
Tất cả các nguyên tắc trên làm tay xuất quyền nhanh và thu về càng nhanh. Nó có tác dụng công thủ quyết liệt, biến hoá đa dạng, đồng thời khi khuỷu tay làm trung trục thì cánh tay và bàn tay sẽ chuyển động ở bất cứ góc độ nào và sinh ra một uy lực vô cùng. Vị trí cánh tay phải giữ khoảng cách một quyền với thân thể (đó là cánh tay treo), đây chính là mục đích tăng cường sức, gân của cánh tay, tăng cường sức tấn công lót thân.
PHÉP CHI SAO TRONG VỊNH XUÂN QUYỀN

Sự cốt tử chính trong quyền thuật Vịnh Xuân là pháp chi sao (niêm thủ). Đó là đặc điểm lợi dụng nghe lực của tay mình mà biết ý người, người động, người tĩnh, biết người trốn tay, người có tay người không tay, biết tiến thoái, đó là phương pháp huấn luyện tâm lý và cảm giảm của da cánh tay và cũng như toàn bộ tay: cánh tay, cẳng tay, cổ tay và bàn tay. Với công phu luyện, người tập sẽ có cảm giác nghe được sức (lực) xuất ra của người đối luyện (cảm nhận lực), vì niêm tay không phải là một cách đọ sức quyết liệt mà chính là một cách bồi dưỡng cảm giác nhạy cảm của cánh tay, đồng thời cân đối với cảm nhận phương hướng. Tập lâu phương pháp này không chỉ có thể thấy rõ và nghe được động cơ và ý đồ của người cùng tập, quan trọng hơn nữa là thông qua niêm tay giúp cho việc bồi dưỡng gân lực không ngừng phát triển, vì khi niêm tay sự cọ sát qua da thịt sẽ được thẩm thấu và tâm và đại não. Nạo bộ kịp thời phát ra hiệu lệnh đến tay, để từ đó nghe ra chỗ cứng, đờ của người cùng tập, đồng thời từ não bộ sẽ tự vận dụng phương pháp không giống nhau để ứng phó. Sự niêm thủ có thể nói là một cách đọ tâm sức quyết liệt cao sâu nhất. Khi tập pháp này, người luyện phải luôn nhớ rõ:
  • Bụng luôn lỏng
  • Khí phải luôn ở đan điền (thở sâu, nhẹ)
  • Bình chân, háng, gối thoải mái, bàn chân vững như núi Thái sơn.
Sau khi thân thủ buông lỏng thoải mái, hai người cùng tung tay ra luyện tập niêm thủ. Khi đẩy tay phải chuẩn, không sợ hụt, phản. Khi kéo và nâng tỳ phải nhanh. Luyện một thời gian sẽ thấy sự tuyệt diệu ở trong đó. Nguyên tắc tập là đánh vào trọng tâm người đối luyện, làm cho người đối tập mất thăng bằng. Mọi người luyện tập đều phải lấy cơ bản gốc của Bát thủ pháp làm nền tảng chính, khi quay tay cần phải áp dụng Liên hoàn bát pháp Vịnh Xuân. Khi sử dụng niêm thủ cần chú ý:    
  • Lấy phóng, chèn, đập (xà, hổ, hạc) làm chiêu thức
  • Lấy đoản kiều làm chủ
  • Lấy pháp công làm thủ, lấy chủ là hoà
  • Không được thừa và thiếu
Thủ pháp biến hoá đa dạng có thể phát huy tác dụng trong một khoảng cách đa dạng, đấy chính là uy lực và huyền bí của Vịnh Xuân Quyền.
Còn một điều cao sâu hơn cả là phương pháp luyện lực của Vịnh Xuân. Căn cứ vào nguyên lý:
  • Không dụng trường kiều không thể đạt khí, không dụng đoạn kiều không thể tự lo (tay ném dài để đạt gân và khí, tay ngắn có thể tự bảo vệ)
  • Theo phương pháp lực phải lưu thuỷ, không đứt đoạn, uy lực phải mạnh mẽ.
Người luyện lực phải hiểu rõ sức mạnh nhu quyền của Vịnh Xuân chính là giật đột ngột một giải lụa (lực ly tâm) mà sức giật nhờ người đối luyện, chỉ có sự luyện tập lâu dài mới có thể thấu hiểu điều này.
CƯỚC PHÁP

Trong quyền thuật Vịnh Xuân còn phải nói đến cước pháp, với năm ngọn: Thốn, quái, liêu, sát, thái (đạp, quét, gối, phóng chân, tỳ chèn). Tuy nhiên, sự luyện tập phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của thân thể với sự vô thức của tay (thân, chân, tay hợp nhất).
Tất cả phương pháp nói trên chỉ được luyện tập sau khi đã qua luyện tập cơ bản.

TẤN PHÁP (MÃ BỘ)

Cơ bản gốc gồm có tấn pháp (mã bộ) và bài Tiểu niệm đầu (thủ đầu quyền).
  • Nhị tự kiềm dương tấn
  •  Kiềm dương xoay
  •  Kiềm dương di chân trụ
Mục đích chính của luyện mã bộ là làm cho thân thể dẻo dai, bàn chân bám chặt đất, các khớp háng, gối, mắt cá chân phải lỏng. Khi di chuyển phải nhẹ nhàng linh hoạt, dùng ngón chân chuyển bộ làm chính. Khi định mã bộ, hai người phải du đẩy cho nhau để đạt sự cân bằng khéo léo.
TIỂU NIỆM ĐẦU   

Khi luyện xong mã bộ phải chuyển sang luyện Tiểu Niệm đầu (còn gọi là Tiểu luyện đầu, khi đạt đến cao cấp mới gọi là Tiểu niệm đầu). Tiểu niệm đầu chính là cơ bản công của Vịnh Xuân Quyền.
Tiểu niệm đầu và Tiểu luyện đầu chiêu thức là của nhau nhưng hàm ý hoàn toàn khác nhau – Một tập hình, một tập ý. Nếu Tiểu luyện đầu là cơ bản công pháp của Vịnh Xuân thì Tiểu niệm đầu là tu luyện âm nhu thông qua vận khí và dụng ý để đạt đến trình độ cao nhất không lộ. Trong quá trình tập luyện Tiểu niệm đầu không được phép tập nhanh và liều lĩnh, phải luyện chậm chạp và thuần thục, sau khi nhớ không sai mới thêm ý niệm vào phối hợp hô hấp. Nội phải đề khí, ngoại phải tuỳ ý, luyện được tuỳ ý, tẩu ý bất tẩu thần thì mới làm nền tảng cho phép Tầm kiều (tìm tay) về sau. Khi tập, lấy tinh thần chậm làm chính, đưa tay ra dụng hô, thu tay vào dụng hấp. Luyện được có thể vận dụng thân thể và ý niệm sức lực chớp nhoáng, đó chính là nội lực âm nhu và cách biến ảo để lấy nhu chế cương của quyền thuật Vịnh Xuân. Khi mã bộ và pháp luyện Tiểu niệm đầu đã tốt đó chính là lúc Tứ lạng bát thiên cân để hoá giải công kích đối thủ. Chú ý, khi luyện quyền phải buông lỏng toàn thân, ý niệm tập trung khi xuất thủ, lực nhẹ, ý nặng, cố gắng phát huy xảo lực (mượn sức người cùng luyện) đồng thời phải xoá ý niệm mờ ám. Lưỡi đầy vòm họng, đề giang thu thận, hơi thở tự nhiên. Điều này mang tính thực dụng rất mạnh, có quan hệ đến thành bại Vịnh Xuân Quyền trong khi giao chiến. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho mỗi người tập Vịnh Xuân Quyền là đều phải ghi nhớ một cách nghiêm túc các yếu lĩnh, động tác, và phải tiến hành khổ luyện thì mới có thể bước xa hơn trên con đường võ học.




KHÁI NIỆM CÔNG – HÒA – HÓA THAY CHO LỜI KẾT
Sau một thời gian luyện tập (18 năm), tôi mới hiểu được câu: Công – Hoà – Hoá làm chủ, còn lối cũ Hoà – Hoá – Công, theo tôi là đúng mà cũng không hẳn là đúng, vì văn tự của người Trung Quốc được đọc và hiểu từ phải sang trái. Nguyên lý Công – Hoà – Hoá, với thiển cận của tôi có thể diễn giải như sau:
  • Công tức thủ
  •  Hoá tức công
  •  Hoà là niêm dính
Theo chân lý “Đạo bất sinh bất diệt”, người viết một lần nữa rất mong mọi người luyện tập môn Vịnh Xuân Quyền đều đạt được như ý để Vịnh Xuân Quyền Việt Nam mãi mãi tồn tại và phát triển.

Chúc viên mãn Đông Các, Hà Nội, 30/3/2001 Trần Đức Lợi   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét