.breadcrumbs { padding: 5px 10px; margin-bottom: 10px; border: 1px solid #E2E2F2; font-weight: bold; }

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

"Đạt tới võ đạo là đạt tới tinh hoa của triết lý sống"

"Đạt tới võ đạo là đạt tới tinh hoa của triết lý sống" - VÕ SƯ NGUYỄN CHÂU PHONG



Trước đây, Vĩnh Xuân quyền từ chỗ chỉ được truyền dạy âm thầm trong các gia tộc, nay trở thành một trong những môn võ được nhiều người say mê luyện tập nhất, với hàng triệu đệ tử trên toàn thế giới.


Vĩnh Xuân quyền thường gắn với huyền thoại Lý Tiểu Long (1940-1973) - diễn viên võ thuật nổi tiếng Hollywood thập niên 1970. Tuy nhiên, tìm được một chân sư không hề đơn giản. Võ sư Nguyễn Châu Phong (SN 1956) là một người như thế, ông là đệ tử lớn của cụ Trần Văn Phùng (một trong những học trò đầu tiên của sư tổ Nguyễn Tế Công - hay còn gọi là Tài Cống - người truyền bá Vĩnh Xuân vào Việt Nam).


Trên sân võ, thoạt nhìn, cái dáng mảnh mai, cao lòng khòng bề ngoài của võ sư Nguyễn Châu Phong đã đánh lừa các môn sinh. Khi giao thủ, phản xạ của ông cực nhanh và những cú đánh còn lẹ hơn điện xẹt. Trong chớp mắt, môn sinh đã nằm lăn trên mặt đất, còn người ngoài đứng xem tuyệt không nhìn rõ đòn ra của ông. Võ sư Nguyễn Châu Phong nhấn mạnh: Vĩnh Xuân quyền khoan thai mà dũng mãnh.


- Theo ông, đâu là đặc trưng và thế mạnh của Vĩnh Xuân quyền so với các môn phái khác?


- Vĩnh Xuân quyền xuất phát từ Trung Quốc, đặc trưng môn này có nhiều nét đặc dị bởi nó có những bài luyện tập hết sức đặc biệt như niêm thủ, niêm cước, niêm thân hay linh giác. Hệ thống quyền thuật đơn giản không giống một môn phái nào, nhìn bề ngoài các môn sinh tập Vĩnh Xuân quyền luyện tập những động tác hết sức đơn giản, khoan thai nhẹ nhàng, không khoa trương hay bay nhảy, đã có nhiều người không thích vì không hiểu chiều sâu và hiệu quả của nó, thậm chí còn suy nghĩ: Thế này mà là võ ư? Thực ra, có thể xem Vĩnh Xuân quyền là môn "nhu thuật", một môn thể thao nghệ thuật có tư duy logic rất cao. Nó là môn võ dành cho những người yếu, người yếu mà tập nó sẽ khắc phục được tình trạng sức khỏe (có rất nhiều người mang những bệnh mạn tính trong người, khi tập Vĩnh Xuân đã hết bệnh), thấy khỏe hơn, sung mãn hơn. Còn người khỏe mà tập nó thì sức lực càng vô cùng và bản thân Vĩnh Xuân quyền còn là môn võ được đúc kết, cắt gọt đến mức tinh giản, nên tính hiệu quả chiến đấu cực cao...


- Hiện ở VN có mấy nhánh của Vĩnh Xuân quyền và nó có khác nhau nhiều không, thưa ông?


- Ở miền Bắc hiện nay có nhiều nhánh như nhánh cụ Trần Văn Phùng (sư phụ của tôi), nhánh cụ Trần Thúc Tiển, nhánh cụ Vũ Bá Quý, cụ Ngô Sỹ Quý... và nhiều nhánh ở trong TPHCM nữa.... Về cơ bản, gốc đều như nhau, nhưng trong khi học Vĩnh Xuân quyền, mỗi người đều hiểu, học nó theo cái ngộ của chính kiến bản thân mình. Sau này, khi phát triển và truyền dạy theo đó cũng khác nhau.


- Hẳn cũng như các môn phái khác, Vĩnh Xuân quyền đòi hỏi sự khổ luyện, nhưng sự khổ luyện ở đây có gì đặc biệt không, thưa ông?


- Việc khổ luyện chia theo từng giai đoạn. Sự khổ luyện nằm trong ý thức, với tôi 24h trong ngày là tập và luyện. Không nhất thiết phải tạo ra một cung thời gian, vì mỗi người có những điều kiện khác nhau. Bất kỳ môn võ nào cũng đều cần khổ luyện. Nếu có ý chí và quyết tâm cao thì có thể vượt qua tất cả và chắc chắn sẽ thành công.


Theo tôi, tư chất của mỗi người là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là anh có thực sự đam mê và trân trọng cái anh đam mê không. Nếu không đi chuyên sâu thì không hiểu được. Phải gặp được danh sư (còn gọi là chân sư đích thực), phải được truyền dạy để hiểu thấu đáo. Phải toàn tâm toàn ý, nếu học chỉ để dùng ngay thì chỉ là học cái ngọn hay một vài kỹ thuật đánh đấm, làm sao hiểu được cái cốt lõi, tinh hoa của võ đạo? Như để hiểu được “tâm ứng thủ” phải là cả một quá trình rèn luyện, phải được thầy chỉ dạy đến nơi đến chốn, rồi “bắt địch theo ta”... phải đạt tới tinh hoa trong chiến đấu.


- Thưa ông, trong Vĩnh Xuân quyền có khái niệm “vô chiêu thắng hữu chiêu”?


- Phải hiểu thế nào là “tâm ứng thủ”, đứng trước đối thủ, làm sao biết đối thủ dùng chiêu thức như thế nào, dùng thế tay hay thế chân nào? Phải có một quá trình luyện tập công phu thì chỉ cần nghĩ tới động tác, chiêu thức thì ngay lập tức chân, tay sẽ thực hiện những đòn thế chính xác, thành công. Ngoài khổ luyện thì có 3 cấp, đúng hơn là 3 hệ: Hệ chiến đấu - hệ giao đấu - hệ biểu diễn. Cũng như đẳng cấp trong võ thuật có 3 cấp: Võ biền, võ thuật và võ đạo. Đạt tới võ đạo là đạt tới tinh hoa của triết lý sống...


- Các lò võ Vĩnh Xuân quyền ở ta hiện nay có nhiều lò tuân theo “cái gốc” căn bản của nó không, thưa ông?


- Cây có 1 gốc, nhưng có nhiều nhánh, 1 nhánh sinh ra nhiều cành. Ở ta, nhiều lò, ngay cả thầy dạy cũng chưa nắm được gốc cơ bản, toàn là cóp nhặt ba cái chiết chiêu. Đến “bát thủ pháp” – thầy dạy còn chưa biết. “Manh sư” thì nhiều, danh sư thì ít... cái đó thật đáng buồn! Như “Tiểu hình luyện thủ” là bài quyền của Vĩnh Xuân, các môn sinh mới nhập môn đều phải tập bài đó để luyện tay. Thủ ở đây là tay, không phải là phòng thủ, đánh thì đỡ, gạt, thủ sau thì công. “Đầu bất chính, thì chung sinh bất chính” – cái đầu tiên đã sai thì dù có khổ luyện, cả hệ thống về sau đều sai. Ngoài những chiêu thức, kỹ thuật mà sư phụ từng dạy tôi, người còn truyền lại rất kỹ cho tôi cả về khẩu quyết và tâm pháp...


Vĩnh Xuân quyền còn đi vào thơ ca: “Đôi tay Vĩnh Xuân như hai dải lụa hồng, đánh cho địch thủ như con thuyền say sóng/ Ta theo địch như hình với bóng/ Địch theo ta như vực sâu thăm thẳm”...


(Nói đến đây, võ sư Nguyễn Châu Phong dắt cậu con trai đang ở tuổi trưởng thành của ông ra tập cho chúng tôi xem. Lẹ làng, khoan thai mà dũng mãnh, những đòn đánh biến ảo khôn lường, chỉ có điều ông “tua” thật chậm để chúng tôi nhìn ra được đòn thế).




Võ sư Nguyễn Châu Phong biểu diễn với con trai ông cho chúng tôi xem.

Võ sư Nguyễn Châu Phong nói tiếp:


Vĩnh Xuân quyền nhu nhưng không nhược, cương mà không cứng. Cứng mà bẻ không gãy. Mềm mà không nắn được. Để đạt tới công phu đôi tay, học cả đời chưa hết, vì thế Vĩnh Xuân quyền ít dùng chân, vì tay mà đã lợi hại như thế thì dùng chân còn lợi hại đến đâu. Thực tế cước pháp Vịnh Xuân rất phong phú, bao gồm cả những chiêu thức dùng chân ở tầm cực thấp với những đòn chấn khớp có uy lực khủng khiếp và những chiêu thức đánh vào sự thăng bằng của đối thủ. Tuy nhiên, do nguyên tắc "túc bất ly địa" (chân không rời khỏi mặt đất) của Vĩnh Xuân, cước pháp Vĩnh Xuân chỉ truyền dạy cho học trò cao cấp, sau khi môn sinh đã luyện tập tốt sự thăng bằng và có sự phối hợp với thủ pháp nhuần nhuyễn. Chưa kể, vũ khí của Vĩnh Xuân quyền còn có “Bát trảm đao”, “Lục điểm bán côn”. Đã học phải học cho đủ, cho thấu đáo, sau này tùy vào hoàn cảnh nào, gặp cái gì thì dùng cái đó.


Câu chuyện với võ sư Nguyễn Châu Phong thật thú vị, ông nói với chúng tôi không chỉ là võ thuật mà còn là triết học, là sự cân bằng âm dương hiểu sao cho đúng, là sự vi diệu của võ đạo mà ông đã ngộ được. Cũng vì thế mà khi được hỏi về những lần ra đòn chiến đấu của ông, Võ sư Nguyễn Châu Phong chỉ cười, không nói...


Với Vĩnh Xuân quyền, phải nắm vững được những kỹ thuật như bát tượng: Nâng, tỳ, vít, đẩy, chấn, triệt, lôi, đả; hay Ngũ hình quyền biểu hiện 5 ngũ tính: Cương, nhu, dũng, trí, tĩnh. Ngũ tính của con người luân chuyển theo các ảnh hưởng tác động ngoại lai, có lúc rất cương trực, có lúc rất mềm mại... như 5 con vật long, hổ, báo, xà, hạc... Luyện võ là để lấy cái dũng, để chế ngự và tiêu diệt sự nhút nhát bản năng của con người, giữ được sự điềm đạm và sáng suốt khi gặp nguy hiểm, để có những giải pháp phù hợp trong tất cả mọi việc của cuộc sống thường ngày, chứ không phải là lấy việc đánh đấm hơn thua làm thước đo thành quả.


Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét