VỊNH XUÂN TRẦN VĂN PHÙNG ( ĐỘC LONG NHÃN)
Cố Võ sư Trần Văn Phùng là một trong những học trò đầu tiên của sư tổ Nguyễn Tế Công (Hay còn gọi là Tài Cống). Ông là người lớn tuổi nhất trong số học trò của cụ Tế Công hồi bấy giờ, nên thường được các huynh đệ gọi là đại ca. Trước khi thụ giáo cụ Tế Công, ông đã là một cao thủ có tiếng thời bấy giờ với biệt danh Độc Nhãn Long. Ông học võ rất sớm (từ 16 tuổi), là người thông thạo nhiều môn quyền thuật, đặc biệt là Thiếu Lâm Sơn Đông và Thiếu Lâm Nam Quyền. Ông chơi thân với ông Việt Hương (chủ của hàng bánh Việt Hương ở phố Hàng Ngang thời đó), cũng là một trong những học trò xuất sắc của cụ Tế Công, rất giỏi về kiếm thuật. Ông Việt Hương đã giới thiệu ông Phùng với cụ Tế Công. Với một tinh thần võ đạo khảng khái, ông Phùng đã xin được thử tài nghệ của cụ Tế Công và ông đã thua. Cảm phục tài năng võ thuật của cụ Tế Công, ông đã xin làm đệ tử để được học môn Vĩnh Xuân của cụ Tế Công. Ông học võ Vĩnh Xuân của cụ Tế Công 10 năm liền từ năm 1936-1946, sau đó vẫn tiếp tục qua lại chăm sóc và học hỏi cụ Cống đến khi cụ đi miền nam năm 1954. Với năng khiếu võ thuật thiên bẩm và chuyên cần luyện tập, ông được sư phụ rất yêu mến mà truyền cho nhiều bí quyết của môn võ Vĩnh Xuân, đặc biệt là phương pháp luyện tập với mộc nhân.
Võ sư Trần Văn Phùng là một con người giản dị, cương trực và khảng khái, một đời cống hiến cho võ thuật. Cho đến tận lúc ông mất năm ông 85 tuổi, hàng ngày ông vẫn luyện công và dạy võ cho các học trò. Ở độ tuổi 80, ông vẫn đủ sức đánh lõm một tấm gỗ lim dày 10 phân. Quan điểm võ thuật của ông là càng đơn giản càng tốt và phải khổ luyện.
Ông nguyên quán ở Lý Nhân, Hà Nam, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông là con một ông chủ cửa hàng tạp hóa tại số 16, phố Cửa Bắc. Thời thanh niên ông theo cách mạng (chiếm Bắc Bộ Phủ, bắt Cung Đình Vận – một tên phản động). Ồng là một kỹ sư điện có tiếng tại nhà máy điện Yên Phụ, lương rất cao 120 đồng bạc một tháng (thời đó một xu đã được một bơ gạo). Sau này về hưu, ông làm bảo vệ tại trường Việt Nam Cu Ba, ở phố Châu Long. Ông là một trong những người có công lớn trong việc truyền bá môn võ Vĩnh Xuân ở Việt Nam. Học trò của ông có rất nhiều, trong nước có, ngoài nước có, nhưng thành danh nhất phải kể đến giáo sư tiến sĩ Lê Kim Thành (hiện ở Nga), họa sĩ Đỗ Tuấn (Phó chủ tịch CLB Vĩnh Xuân Hà Nội), võ sư Trịnh Quốc Định (cố vấn võ thuật Liên đoàn Võ thuật Việt Nam), võ sư Vũ Văn Hồng (Phó giám đốc Trung tâm UNESCO về phát triển Văn hóa & Thể thao), họa sĩ Mai Anh Châu và nhiều người khác. Các học trò của ông đã và đang tiếp tục kế tục ông truyền dạy và làm rạng danh thêm cho môn Vĩnh Xuân Việt Nam.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét